Nhắc đến thơ Đường, ta thường nói đến bút pháp chấm phá – một trong những nét độc đáo tạo nên ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Bút pháp chấm phá phác họa hay còn gọi là vẽ mây nảy trăng. Đây là một trong những bút pháp nghệ thuật được Bác Hồ vận dụng nhiều trong thơ. Chỉ với vài nét vẽ, Bác đã để lại trong lòng người đọc nhiều ấn tượng sâu sắc. Nhật kí trong tù là một tập thơ được Bác vận dụng rất thành công bút pháp nghệ thuật này. Và tinh thần lạc quan là một trong những nội dung tiêu biểu của tập thơ mà khi nhắc đến Nhật kí trong tù thì bất kỳ ai cũng đều trân trọng và tự hào về những phẩm chất cao quý, trong sáng, về tinh thần lạc quan yêu đời của Bác.

Một phong thái tự nhiên và hiện đại

Ở nhiều bài thơ trong tập thơ Nhật kí trong tù, Bác đã vận dụng rất thành công bút pháp nghệ thuật này. Có thể kể đến đầu tiên là bài thơ Mộ (Chiều tối), một trong những bài thơ được Bác sáng tác nhằm ghi lại khung cảnh chuyển lao. Trên quãng đường chuyển lao khổ ải từ Tĩnh Tây đến Thiên Bảo (Quảng Tây, Trung Quốc), Bác đã viết liền năm bài thơ, và Mộ là bài thơ thứ ba:

Phiên âm:

“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng”

Dịch thơ:

“Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây lơ lửng giữa tầng không
Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết, lò than đã rực hồng”

Bài thơ được mở đầu bằng hai hình ảnh mang đậm nét cốt cách Đường thi với những nét chấm phá cổ điển: một cánh chim chiều, một chòm mây lẻ loi (cô) chầm chậm (mạn mạn) lướt trên nền trời. Chỉ vài nét phác họa, hai câu thơ đã vẽ nên một bức tranh nên thơ, yên bình của cuộc sống: chim bay về rừng tìm chốn trú ngụ, đám mây lẻ loi trôi lừng lờ trên bầu trời chiều… Chỉ vài nét chấm phá, nhưng bức họa phong cảnh đã hiện ra rõ.

Giao hòa với thiên nhiên và sự lạc quan

Bác cũng là một người xa quê, đang trong cảnh đất khách quê người nên không thể tránh khỏi chút băn khoăn, suy tư trước cảnh ngày tàn. Cánh chim mỏi mệt (quyện điểu) bay về rừng tìm nơi trú ẩn, cánh chim ở đây vừa mang ý nghĩa để chỉ thời gian, vừa mang ý nghĩa chỉ không gian. Nhưng cánh chim ở đây không phải là cánh chim mà ta thường gặp trong thơ xưa. Chỉ vài nét phác họa, hai câu thơ lại mở ra không gian bát ngát, cao rộng, trong trẻo, êm ảnh và thanh bình. Nhà thơ đã vận dụng một cách tự nhiên và khéo léo một nét khá quen thuộc trong thi pháp cổ điển, tạo ít mà gợi nhiều, dùng điểm vẽ diện, lấy động tả tĩnh, lấy cái cực nhỏ để diễn tả cái bát ngát, mênh mông.

Trong những câu thơ trên, cánh chim thường gợi cho ta liên tưởng đến những vần thơ đẹp. Còn hình ảnh cánh chim trong thơ Hồ Chí Minh là cánh chim “mỏi” đang tìm về với sự sống thường ngày. Và cũng vì thế mà cánh chim ở đây có “hồn” và mang đầy tâm trạng của nhân vật trữ tình. Ở đây có sự tương đồng, giao hòa giữa con người và thiên nhiên: cánh chim mỏi mệt kiếm ăn trong suốt ngày dài và người ảnh chòm mây.

Qua những câu thơ này, Bác toát lên phong thái ung dung, tinh thần tự do, và hướng ngoại với thiên nhiên. Một cánh chim bay về rừng đã diễn tả và gợi ra một không gian êm đềm, tĩnh lặng. Những hình ảnh quen thuộc và cổ kính trong thơ đã giúp ta hình dung rõ cảnh chiều miền sơn dã. Bài thơ ấy làm cho ta gợi nhớ cánh chim trong thơ Nguyễn Du, và một tầng mây trong thơ Nguyễn Khuyến và xa hơn gợi nhớ những câu thơ quen thuộc của Lí Bạch hay Thôi Hiệu.

Qua những vần thơ cổ điển trên, ta bỗng nhận ra một nét chung trong tâm hồn và cốt cách của các bậc thi sĩ đó là phong thái ung dung, thanh cao như muốn vượt lên trên tất cả. Đó là sự giao cảm của con người với thiên nhiên, với tạo vật, cái tôi trữ tình đã hòa lần vào thiên nhiên, ngoại cảnh. Một cánh chim cuối ngày mỏi mệt đang bay về rừng, một chòm mây lẻ loi, chầm chậm trôi gợi lên bầu trời trong ngắt, tĩnh lặng. Đó chính là niềm lạc quan, tin tưởng vào tương lai mà Bác toát lên trong tập thơ Nhật kí trong tù.

Bài thơ “Mộ” và “Giải đi sớm” là những bài thơ đặc sắc chỉ với vài nét chấm phá vẽ nên những hình ảnh sâu sắc, gợi lên một phong thái, tâm hồn vĩ đại của người đi đường. Chúng để lại ấn tượng rất sâu trong lòng người đọc, thể hiện sự giao hòa với thiên nhiên, sự lạc quan và niềm tin vào cuộc sống.

About The Author