Học hỏi từ những bộ não thông minh nhất là con đường nhanh chóng để bạn đạt được sức khỏe, sự giàu có và trí tuệ. Tuy nhiên, chỉ đọc sách không thôi không giúp bạn nâng cao cuộc sống. Bạn có thể đọc 52 cuốn sách mỗi năm mà không thay đổi được gì cả. Để áp dụng những gì bạn đã đọc, trước tiên bạn phải nhớ những gì bạn đã đọc.

Nhà vật lý đoạt giải Nobel Richard Feynman là một chuyên gia ghi nhớ những gì ông đã đọc. Bill Gates đã áp dụng thành công công thức của Feynman đến mức ông đặt tên cho Feynman là “người thầy vĩ đại nhất mà tôi từng có”.

Tại sao nhiều người quên những gì họ đã đọc?

Hầu hết mọi người nhầm lẫn giữa tiếp thu với học tập. Họ nghĩ rằng chỉ cần đọc, xem hoặc nghe thì thông tin đó sẽ trở thành của họ. Nhưng trừ khi bạn có một bộ nhớ khủng, thông tin mà bạn đọc chỉ đơn thuần là thông tin.

Để bảo vệ bản thân khỏi bị kích thích quá mức, bộ não của chúng ta lọc và quên đi hầu hết những gì chúng ta tiếp thu. Người ta cứ hành động như thể bộ não của họ sẽ giữ mọi thứ. Họ tự vạch ra cho mình phải đọc một số lượng cụ thể sách mỗi năm. Vì quá tập trung vào số lượng, thay vì việc học, họ quên béng những gì đã đọc. Cuối cùng, đối với họ, đọc sách chỉ là giải trí.

Làm thế nào bạn có thể nhớ những gì bạn đã đọc?

Giảng dạy là cách hiệu quả nhất để đưa thông tin vào tâm trí bạn. Điều này giúp bạn kiểm tra xem bạn có nhớ những gì mình đã đọc hay không. Bởi vì trước khi dạy, bạn phải thực hiện một số bước: lọc thông tin có liên quan, sắp xếp thông tin này và diễn đạt rõ ràng bằng vốn từ vựng của riêng bạn.

Nhưng không ai có thể vượt qua Feynman trong việc làm chủ quá trình này. Ông có khả năng giải thích những quá trình phức tạp nhất bằng ngôn ngữ đơn giản nhất. Vì vậy, nếu bạn muốn trở nên thông minh hơn và thúc đẩy quá trình học tập, Kỹ thuật Feynman là lựa chọn tốt nhất cho bạn.

Kỹ thuật Feynman sử dụng các khái niệm liên kết và xây dựng để giúp bạn ghi nhớ những gì đã đọc. Đây là một công cụ để bạn giải thích những ý tưởng bằng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu. Nó không chỉ giúp bạn học mà còn mở ra một cách suy nghĩ khác cho phép bạn chia nhỏ các ý tưởng và định nghĩa lại chúng.

4 bước bạn cần thực hiện

Kỹ thuật Feynman bao gồm bốn bước: xác định chủ đề, giải thích nội dung, xác định lỗ hổng kiến thức của bạn, đơn giản hóa giải thích của bạn. Đây là cách nó được áp dụng cho bất kỳ cuốn sách nào bạn đọc:

Bước 1 – Chọn cuốn sách bạn muốn ghi nhớ

Sau khi bạn đọc xong một cuốn sách đáng nhớ, ghi lại tên sách và nhớ lại tất cả các nguyên tắc và điểm mấu chốt mà bạn muốn ghi nhớ. Việc này đòi hỏi trí tuệ của bạn và tạo ra một trải nghiệm học tập hiệu quả. Hãy cố gắng sử dụng ngôn ngữ đơn giản nhất bạn có thể để giải thích những điểm mấu chốt.

Bước 2 – Giả vờ bạn đang giải thích nội dung cho một đứa trẻ 12 tuổi

Giải thích một khái niệm càng đơn giản càng tốt đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc. Khi bạn giải thích từ đầu đến cuối cho một đứa trẻ 12 tuổi, bạn buộc mình phải đơn giản hóa các mối liên kết giữa các khái niệm. Nếu xung quanh bạn không có đứa trẻ nào, hãy giải thích cho người bạn quan tâm đến vấn đề đó hoặc viết một bài đánh giá trên các trang web như Amazon, Goodreads hoặc Quora.

Bước 3 – Xác định lỗ hổng kiến thức của bạn và đọc lại

Giải thích những điểm mấu chốt của cuốn sách giúp bạn nhận ra những gì mình vẫn chưa hiểu. Khi bạn tìm thấy lỗ hổng kiến thức, hãy đọc lại đoạn đó cho đến khi bạn có thể giải thích nó bằng ngôn ngữ đơn giản của mình. Lấp lỗ hổng kiến thức là bước cần thiết để bạn thực sự nhớ những gì mình đã đọc.

Bước 4 – Đơn giản hóa giải thích của bạn

Đọc lại ghi chú của bạn và sắp xếp chúng thành một câu chuyện đơn giản nhất có thể. Nếu lời giải thích nghe có vẻ đơn giản, đó là dấu hiệu tuyệt vời cho thấy bạn đã thành công. Chỉ khi bạn có thể giải thích bằng ngôn ngữ đơn giản thì bạn mới biết rằng bạn thực sự hiểu nội dung mình đã đọc.

Kỹ thuật Feynman là một cách tuyệt vời để biến sự khôn ngoan từ sách thành của riêng bạn. Đó là một cách để chia nhỏ các ý tưởng và định nghĩa lại chúng.

About The Author