Contents
Đây thôn Vĩ Dạ và vẻ đẹp khó quên
Trong chương trình Ngữ Văn lớp 11, bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của thi sĩ Hàn Mặc Tử đã trở thành một phần không thể thiếu. Với những nét đẹp tinh tế, tác phẩm này đã để lại ấn tượng mãnh liệt trong lòng học sinh. Vì vậy, để hiểu sâu hơn về vẻ đẹp của bài thơ này, hãy cùng khám phá những mở bài đặc sắc nhất trong tác phẩm này.
1. “Đây thôn Vĩ Dạ” như khúc hát mát lạnh giữa bầu không khí u ám
Mở bài 1: “Đây thôn Vĩ Dạ” tựa như một khúc nhạc trong trẻo, tươi sáng hiếm hoi vang lên giữa những bản nhạc đầy ma mị, điên cuồng cũng đầy kì dị, ám ảnh của Hàn Mặc Tử. Bài thơ là lời hồi đáp cho câu hỏi “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?” của Hoàng Thị Kim Cúc đồng thời cũng là tiếng lòng thiết tha yêu đời, yêu cuộc sống nhưng cũng là nỗi xót xa, tuyệt vọng của một cái tôi cô độc, lạc lõng giữa cuộc đời của Hàn Mặc Tử.
2. Hàn Mặc Tử – Nghệ sĩ phức tạp và bí ẩn
Mở bài 2: “Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như ngôi sao chổi với cái đuôi chói lòa rực rỡ”. Trong làng thơ mới, Hàn Mặc Tử là thi sĩ có diện mạo thơ vô cùng phức tạp và bí ẩn. Thơ Hàn có sự đan xen cả những gì thân thuộc, thanh khiết nhất, cả những gì ghê rợn, ma quái, cuồng loạn nhất. Trong thế giới đó, trăng, hoa, nhạc, hương hòa lẫn với linh hồn, yêu ma. Đằng sau diện mạo thơ hết sức phức tạp ấy, ta thấy hằn lên tình yêu mãnh liệt đến đau đớn hướng về cuộc đời. In trong tập “Thơ Điên”, “Đây thôn Vĩ Dạ” là những vần thơ tinh khôi trong trẻo trong gia tài Hàn Mặc Tử mà vẫn ẩn chứa tình yêu đau đớn hướng về cuộc đời như thế.
3. Một bức tranh đầy ma quái và kì dị với nỗi đau yêu đời
Mở bài 3: Hàn Mặc Tử được biết đến với những vần “thơ điên” kì dị, ám ảnh. Hình ảnh trăng và máu thường xuyên trở đi trở lại trong thơ Hàn Mặc Tử và trở thành biểu tượng cho phong cách thơ, tài năng và con người tài hoa nhưng nhiều đau khổ của ông. Tuy nhiên trong thế giới điên cuồng và kì dị ấy ta vẫn bắt gặp một nỗi khắc khoải đau đớn của một cái tôi yêu đời, yêu cuộc sống. “Đây thôn Vĩ Dạ” là bài thơ Hàn Mặc Tử viết về thôn Vĩ, là lời hồi đáp cho lời mời “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?” của một người con gái xứ Huế. Đây cũng là một trong những bài thơ hay và tiêu biểu nhất trong phong trào thơ Mới ở Việt Nam.
Mở bài 4: Hàn Mặc Tử là người khởi xướng ra trường thơ Loạn với những vần thơ điên cuồng, đau thương, ông cũng là một trong những nhà thơ tài năng và có sức sáng tạo mạnh mẽ nhất trong phong trào thơ Mới ở Việt Nam. Trong 12 năm cầm bút Hàn Mặc Tử đã để lại nhiều tập thơ có giá trị như: Gái quê, Thơ điên, Xuân như ý…đặc biệt nhất có thể kể đến Đây thôn Vĩ Dạ, bài thơ thể hiện tình yêu của một con người tha thiết yêu đời, yêu cuộc sống.
Mở bài 5: Hàn Mặc Tử là một nhà thơ tài hoa nhưng bạc mệnh. Nỗi đau về bệnh tật, nỗi đau về một kiếp sống ngắn ngủi đã khiến cho những vần thơ của ông thấm đẫm một nỗi buồn da diết. “Đây thôn Vĩ Dạ” cũng là một bài thơ được nhà thơ sáng tác vào những năm cuối đời của mình, với nỗi niềm tiếc nuối với mối tình với cô gái trong mộng chưa kịp chớm nở đã bị số phận trớ trêu cắt đứt. Bài thơ cũng là một bức tranh về thôn Vĩ Dạ thơ mộng bên bờ sông Hương, thật đẹp, những vẫn thấm đẫm một nỗi buồn da diết, bâng khuâng của Hàn Mặc Tử.
Mở bài 6: Hàn Mặc Tử – một trái tim, một tâm hồn lãng mạn dạt dào yêu thương đã bật lên những tiếng thơ, tiếng khóc của nghệ thuật trước cuộc đời. Những phút giây xót và sung sướng, những phút giây mà ông đã thả hồn mình vào trong thơ, những giây phút ông đã chắc lọc, đã thăng hoa từ nỗi đau của tâm hồn mình để viết lên những bài thơ tuyệt bút. Và bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” đã được ra đời ngay trong những phút giây tuyệt diệu ấy. Ở bài thơ, cái tình mặn nồng trong sáng đã hòa quyện với thiên nhiên tươi đẹp, mối tình riêng đã ở trong mối tình chung hồn thơ vẫn đượm vẻ buồn đau.
Mở bài 7: Khi được gọi tên cho Phong trào thơ mới, Đỗ Lai Thúy đã gọi đó là một “Cây nấm lạ trên gia hệ của văn mạch dân tộc”. Cái “lạ” của thơ mới, có người biết, có người chưa biết, nhưng cái “lạ” mà người thi sĩ Hàn Mặc Tử mang theo khi bước vào làng thơ, thì hẳn ai cũng rõ. Những vần thơ điên loạn với ngập tràn ý tượng của hồn, trăng, và máu đã không thôi ám ảnh những ai yêu thơ Hàn, đọc thơ Hàn. Nhưng chẳng ai có thể tưởng đến giữa một rừng thơ ma quái và kì dị ấy, lại mọc lên một bông hoa trong sáng tinh khôi, còn vương bao hương sắc ở đời. Bông hoa ấy Hàn đặt tên “Đây thôn Vĩ Dạ”, trong nó chứa chở bao cảm xúc và hoài nhớ về một miền quê từng gắn bó biết bao…
Mở bài 8: Trong khu vườn Thơ mới, ta bắt gặp một Xuân Diệu với tình yêu đắm say, thiết tha nhưng cũng đầy băn khoăn với cuộc đời, một Thế Lữ nhiều trăn trở muốn thoát lên tiên và một Hàn Mặc Tử đầy bí ẩn, kì dị với những vần thơ ám ảnh về trăng và máu. Hàn Mặc Tử là một trong những nhà thơ tài năng, độc đáo bậc nhất của phong trào thơ mới nhưng cuộc đời lại nhiều thăng trầm, đau khổ. Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” được coi là bài thơ tươi sáng, trong trẻo hiếm hoi trong thế giới “thơ điên” của Hàn Mặc Tử, qua bài thơ này Hàn Mặc Tử đã thể hiện tình yêu đối với phong cảnh, con người thôn Vĩ cũng là tình yêu đắm say với cuộc sống, đồng thời cũng thể hiện nỗi đau khổ, tuyệt vọng khi bị ngăn cách với cuộc đời bởi bức tường của phòng bệnh.
Sau khi tìm hiểu mở bài, chúng ta có thể lập dàn ý kỹ lưỡng cho phần thân bài và kết bài. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy để lại bình luận của bạn dưới đây!