NLXH: Hãy cháy lên!

Tôi nhớ ngay đến câu chuyện về Prometheus trong thần thoại Hy Lạp – người đã dám đối đầu với vị thần Zeus tối cao, lén đánh cắp ngọn lửa để mang đến ánh sáng và văn hóa cho nhân loại. Dù sau đó, anh bị trừng phạt thảm khốc, nhưng vẫn kiên định chỉ trích Zeus. Có lẽ, khi mỗi người đứng lên chống lại những giới hạn, những điều xấu xa, thì ngay trong con người họ đã bùng cháy lên một ngọn lửa, như Nazim Hikmet đã mạnh mẽ ca ngợi:

“Nếu tôi không cháy lên
Nếu anh không cháy lên
Nếu chúng ta không cháy lên
Thì làm sao bóng tối trở thành ánh sáng?”

Vì vậy: “Hãy cháy lên”!

Trong cuộc sống, “cháy lên” là khi ta dám vượt ra khỏi những giới hạn, những lề lối cũ để đứng lên và đoạt lấy những điều tốt đẹp, có ích hơn. Như Prometheus, anh ấy chính là một ngọn lửa đang cháy lên để bảo vệ cho loài người. Nhưng liệu “cháy lên” đã đủ? Trong bài thơ, tác giả đã chỉ ra những chủ thể “tôi”, “anh”, “chúng ta”, có lẽ cũng chính là vòng tròn quan hệ cơ bản của cuộc sống? Cả bài thơ với từ “không” ở mỗi câu đã gửi gắm cho chúng ta thông điệp: hãy đứng lên để màn đêm phải tàn lụi trước ánh sáng, mỗi chúng ta hãy là một ngọn lửa nhỏ để hòa chung vào cái lửa lớn của cộng đồng, dân tộc. “Nếu tôi không cháy lên / Nếu anh không cháy lên / Nếu chúng ta không cháy lên / Thì làm sao bóng tối trở thành ánh sáng?”.

“Hãy cháy lên” là cách tốt nhất để khiến cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Đó có thể là sự bất bình khi thấy một người bạn của mình bị ức hiếp. Là niềm ấm ức, phẫn nộ trước một xã hội bị tha hóa, đang ngày một đi xuống. Nhưng những điều đó chỉ mới dừng lại ở sự cháy lên trong tư tưởng. Điều quan trọng hơn hết mà Nazim Hikmet muốn nhắn nhủ đến chúng ta đó là cần phải hành động, cần để ngọn lửa ấy làm động lực tiếp sức cho chúng ta, để thay đổi cuộc sống, xã hội, hoặc chỉ đơn giản là thay đổi chính con người mình, để không còn lạc bước vào những cạm bẫy u uẩn của cuộc đời. Muốn tạo nên một ngọn lửa lớn thì cần phải xuất phát từ những đốm tàn nhỏ, đó không chỉ là công việc của một cá nhân, của riêng “tôi” hay riêng “anh” mà là nhiệm vụ chung của tất cả mọi người. Sáng, hãy sáng cháy lên đi khi tuổi trẻ chưa trôi qua, có như vậy thì “bóng tối” mới trở thành “ánh sáng”, xã hội sẽ ngày một văn minh, phát triển hơn.

Nazim Hikmet như muốn khẳng định lý tưởng sống của ông chính là: “Hãy cháy lên”. Chỉ khi chúng ta dám trầm mình trong ngọn lửa, dám cháy để bảo vệ những tư tưởng, đạo đức, đó mới là một chuyến hành trình sống đầy ý nghĩa. Khi chúng ta “cháy lên”, dám chiến đấu cho một đạo lý tốt đẹp nào đó, những việc làm, hành vi của chúng ta có thể sẽ không thay đổi sự việc hoàn toàn như ý muốn. Nhưng điều quan trọng của một đám lửa không phải là nó đã thiêu đốt bao nhiêu cánh rừng mà là cách nó để lại “sức nóng” trong lòng người khác như thế nào. Chúng ta mạnh mẽ can đảm, nói lên sự thật, có thể sẽ không nhận được sự hồi đáp ngay lập tức. Nhưng hành động của chúng ta sẽ được thâm tâm mỗi người ghi nhận, từ đó họ sẽ suy nghĩ, sẽ trăn trở và nếu tư tưởng của ta là hoàn toàn đúng đắn, họ sẽ học hỏi và lan tỏa điều đó. Ngọn lửa ấy đang ngày một lớn hơn.

Chu Văn An – một nhà Nho, nhà hiền triết, một người thầy mẫu mực. Ông đã “cháy lên” vì công lý, dám thực hiện một việc làm táo bạo nhưng vô cùng nhân nghĩa, đó là dâng sớ cho nhà vua xin chém bảy niên thần. Chính việc làm ấy khiến ông trở nên thật khác biệt, không tầm thường, thậm chí là đáng trách như những vị quan khác cùng thời của ông – những kẻ xú niệm mong kiếm được hàm danh lợi lộc phù du. Chu Văn An đã treo ấn từ quan nhằm “giữ lòng thanh bạch”, bảo vệ đạo lý khi nhà vua không đồng ý phê duyệt tấu sớ của ông. Ông về quê dạy học, sống một cuộc đời “minh triết bảo thân”, bỏ lại sau lưng bao “lao xao”, “phú quý” của vòng vây danh lợi. Qua câu chuyện về cuộc đời của Chu Văn An, ta hoàn toàn có thể nhận thấy chính sự suy tàn của xã hội, trong việc chính trị đất nước đã không tạo cơ hội cho tài năng của Chu Văn An có dịp cống hiến. Nhưng phải chăng đã có một ngọn lửa cháy lên từ đó, dù chỉ là một người thầy giản dị nhưng ông lại được muôn dân tôn kính, nhớ ơn đời đời vì đã dám tạo nên những điều khác biệt để bảo vệ chính nghĩa. “Ngón lửa” ấy đã sống mãi cho tận ngày nay, dù đã trải qua ngàn năm lịch sử.

Trong bài thơ “Vô đề”, nhà văn Văn Cao từng viết:

“Đoàn người đi qua
để lại bóng …”

Tôi tự hỏi, “cái bóng” ấy liệu có thể hình thành nếu chỉ có một người đi qua? Không, không thể. Dù chỉ là một cái bóng, nhưng sẽ rất khác nếu đó là những gì của một đoàn người, một nhóm người để lại. Đó chính là sức mạnh của tinh thần đoàn kết, tập thể. Ngọn lửa của xã hội, đám đông mới là bước đệm tốt nhất để thay đổi thời đại. “Một cây làm chẳng nên non / Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, một ngọn lửa rồi sẽ vụt tắt khi gió ngang qua, nhưng một đám lửa lớn thì khó có cách gì dập tắt được. Khi ấy, “tôi”, “anh”, “chúng ta” sẽ cùng tạo nên những điều tốt đẹp nhất, bảo vệ cho sự sống của chúng ta, thế giới của chúng ta và cả con em – tương lai của chúng ta.

Thật xúc động khi là một người dân Việt Nam, được tận mắt chứng kiến đồng bào đang thắp lên những ngọn lửa của tình yêu quê hương, đất nước. Người dân tỉnh Quảng Nam, những con người đã gắn liền với biển cả, sinh sống và làm việc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nơi đó không chỉ là kế sinh nhai của họ, đó còn là Tổ quốc, là đất mẹ thân thương, là nền văn hiến ngàn đời của cha ông. Khi nghe tin Trung Quốc đang tiến hành đưa giàn khoan vào hai quần đảo chính của nước ta, những con người ấy, tuy thô sơ nhưng lại vĩ đại một ngọn lửa thiêng liêng của tình yêu đất nước, yêu dân tộc. Trên biển cả mênh mông, một ngọn lửa vững mạnh được kết nên qua những cờ quốc kỳ rực sắc đỏ cắm trên mỗi chiếc thuyền. Ôi! Đó còn gì đáng quý hơn bằng sự tự ý thức, tự bảo vệ, đấu tranh cho quê hương, đất nước của mình. Ngọn lửa ấy như trấn giữ cả vùng trời lãnh thổ, như tiếp thêm niềm tin yêu cho hàng triệu trái tim người Việt Nam trong và ngoài nước. Đây mới đích thực là “ánh sáng”, “ánh sáng” trong mỗi người Việt Nam đã chiến thắng “bóng đêm” kia, mãi mãi.

Và hỡi những ai còn mãi lăn lóc trong cõi đời, như những bóng ma vô hồn chẳng ai hay biết. Tuổi trẻ còn gì để ta mãi miệt mài chần chừ mà không cháy lên để thể hiện cá tính của bản thân. Hãy cháy lên đi vì chúng ta không phải là những cành củi khô héo. Chúng ta sống cần phải có mục đích, ý nghĩa, cần khẳng định giá trị của con người mình và bảo vệ cái tốt, cái đẹp.

Trong quyển sách “Nếu biết trăm năm là hữu hạn”, Phạm Lữ Ân có viết: “Chúng ta không thể hít một hơi dài quá khả năng của bản thân, nhưng có thể hít thật sâu hết khả năng trong từng hơi thở”. Nếu đã biết trăm năm là hữu hạn, cớ gì ta không sống thật sâu? Cuộc đời vốn ngắn ngủi, hãy cháy lên hết mình khi còn có thể. Chúng ta cháy lên không chỉ để mang ánh sáng đến với cuộc sống mà còn là khẳng định: “Tôi đang sống chứ không đang tồn tại”. “Nếu tôi không cháy lên”, thật buồn sao khi đến cuối đời, trong tôi chỉ toàn những bóng đêm cùng tiếc nuối, ân hận.

About The Author